Trẻ sơ sinh không thể nói: Biết cách đọc vị ngôn ngữ cơ thể trẻ sẽ giúp mẹ chăm con nhàn tênh

Chỉ cần tinh ý một chút, mẹ có thể biết được con đang cần gì, muốn gì qua tiếng khóc và cả dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể con.

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nói, tiếng khóc đi kèm ngôn ngữ cơ thể chính là công cụ duy nhất để chúng thông báo với cha mẹ mình đang cần gì, muốn gì. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn cho rằng việc này quá khó, làm sao có thể nhận biết được nhu cầu của trẻ mà chỉ dựa vào tiếng khóc hay những cái quơ chân, múa tay? Biết cách đọc vị ngôn ngữ cơ thể trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ đáp ứng nhu cầu của con dễ dàng hơn rất nhiều.

Đọc vị tiếng khóc của trẻ

Có lẽ mẹ sẽ rất bất ngờ khi chúng ta có thể nhận biết nhu cầu của bé qua cách phân biệt tiếng khóc của con. Nhiều mẹ cho rằng điều này là không thể, nhưng trải qua một khoảng thời gian sau khi nuôi con, mẹ sẽ nhận ra những tiếng khóc của trẻ đều có sự khác biệt đi kèm một số dấu hiệu nhất định. Đây chính là “mấu chốt” giúp mẹ nhận ra bé đang gặp phải chuyện gì để xoa dịu hoặc đáp ứng ngay cho con:

– Khóc vì đói: Tiếng khóc càng lúc càng to, lặp đi lặp lại, tay bé lúc này cũng quơ cào khắp nơi và có thể cho tay vào miệng mút.

– Khóc vì gắt ngủ: Tiếng khóc ngắt quãng, không cao. Đôi khi nghe như tiếng cáu gắt, bực bội đi kèm với việc trẻ hay dụi mắt, mặt lờ đờ.

– Khóc vì đau: Tiếng khóc ré lên rất dữ dội

hình ảnh

(Ảnh minh họa)

– Muốn được ôm ấp: Khá giống với tiếng khóc khi con đói nên nhiều mẹ thường hay bị nhầm lẫn. Bé có thể sẽ mút tay nhưng tiếng khóc khi muốn được ôm ấp, dỗ dành thường nhỏ hơn, giống như tiếng rên rỉ.

– Muốn ợ hơi: Tiếng khóc rất chói, to khiến mẹ đôi lúc giật mình đi kèm với những dấu hiệu như ưỡn lưng ra sau, co chân lên ngực.

– Khóc vì ốm: Tiếng khóc to, đều, kéo dài nhiều giờ dù mẹ đã chịu khó dỗ dành nhưng vẫn không hết.

Ưỡn lưng

Sau khi ăn xong, nếu thấy con ưỡn lưng mẹ có thể hiểu rằng bé đã no. Một số trường hợp khác bé ưỡn lưng chứng tỏ con đang cảm thấy đau, khó chịu khi khóc dạ đề.

Xoay đầu

Khi gặp người lạ hoặc cảm thấy buồn ngủ, sắp ngủ, em bé thường thực hiện hành động xoay đầu một cách nhẹ nhàng. Vì thế khi nhận thấy dấu hiệu trên, mẹ có thể ôm con ngay vào lòng để ôm ấp trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn và giúp con mau chóng đi vào giấc ngủ hơn.

Huơ tay giật mình

Đây là dấu hiệu chứng tỏ bé cảm thấy không an toàn, có thể con bị “hết hồn” vì một tác động bất chợt nào đó như ánh sáng bất ngờ chiếu quá mạnh, một âm thanh lớn vang lên gần con. Bé có thể sẽ vừa huơ tay qua đầu vừa khóc, muốn con nhanh chóng bình tĩnh, mẹ hãy tích cực ôm ấp vỗ về và đem con đến một không gian thân thuộc, yên tĩnh hơn mẹ nhé.

Co chân

Con đá chân có thể là biểu hiện bé đang vui, muốn đùa giỡn nhưng nếu con co chân về phía bụng, mẹ cần cẩn thận vì đây là dấu hiệu chứng tỏ con có thể đang bị khó chịu ở phần bụng. Hiện tượng này cũng hay xảy ra trong giai đoạn bé khóc dạ đề.

Nắm chặt tay

Khi con đói, ngoài việc bé sẽ khóc to lặp đi lặp lại, mẹ có thể quan sát thêm dấu hiệu ở tay của con. Nắm chặt tay là “ngôn ngữ” cơ thể thông báo con rất muốn ăn. Chị em chỉ cần chịu khó quan sát các dấu hiệu này cộng với việc theo dõi cữ sữa của con trong ngày thì sẽ dễ dàng nhận ra ngay.

hình ảnh

(Ảnh minh họa)

Gãi tai dụi mắt

Trẻ sẽ gãi tai, dụi mắt khi con cảm thấy mệt mỏi, dấu hiệu này chứng tỏ con đã buồn ngủ lắm rồi mẹ ơi. Ngoài ra, con gãi tai dụi mắt cũng có thể vì đang bị ngứa ngáy, khó chịu ngoài da ở một số bộ phận nào đó, mẹ nên kiểm tra kỹ lưỡng các khu vực này để đảm bảo an toàn cho con nhé.