Vì sao nên cho bé ăn chay?
“Cho bé ăn chay ngay từ những năm tháng đầu đời” là ý định chúng ta thấy ngày một nhiều ở những bà mẹ tiến bộ. Bằng việc cho bé ăn chay, các mẹ kỳ vọng ở một tương lai thật tốt đẹp cho con yêu của mình. Thế nhưng, việc nấu cháo chay cho bé dường như khá cầu kỳ khiến các mẹ trở nên lúng túng và đôi khi bỏ hẳn giữa chừng ý định tốt đẹp. Đừng nản lòng nghe các mẹ! Bằng việc chia sẻ cách nấu cháo chay cho bé “bao ngon, bao nhanh gọn”?, Bảo An Bình sẽ giúp mẹ kiên trì, vững chãi với lựa chọn thật sáng suốt của mình!
Ngày còn mang thai Nghé con, mẹ Nghé liên tục tìm nghe các bài giảng Phật Pháp liên quan đến Thai giáo. Ở độ tuổi 42, cái độ tuổi đã khá lớn để mang thai và sinh con, sẽ có rất nhiều rủi ro cho đứa trẻ nếu người mẹ không cẩn thận tìm hiểu và đề phòng. Đi khám thai, các bác sỹ cũng tỏ ra ái ngại và khuyên nhủ các bà mẹ mang thai lớn tuổi phải khám sàng lọc thật kỹ lưỡng. Mẹ Nghé lo lắm. Vì thế, mẹ Nghé đã chuyên tâm tìm hiểu, dành trọn niềm tin vào Phật Pháp để lo bảo toàn Nghé, đảm bảo cho Nghé có được một sự chăm sóc tốt nhất có thể. Lành thay! Qua các bài giảng về Thai giáo của thầy Tuệ Hải, mẹ Nghé đã lĩnh hội được rằng chế độ dinh dưỡng trong bảy năm đầu đời có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến cuộc đời đứa trẻ. Thật tốt nếu duy trì cho nó ăn thuần chay trong suốt giai đoạn 7 năm đầu đời đó, và tốt nhất là cho nó ăn cốc loại lức hoàn toàn. Nếu làm được như thế thì sau này, đứa trẻ sẽ luôn mạnh khỏe, thông minh và giàu lòng bi mẫn. (Để hiểu được tường tận hơn, mời bạn đọc xem thêm bài Ăn uống đúng cách để có sức khỏe toàn diện trên trang web của Bảo An Bình Reviews). Được thế thì còn gì bằng! Chưa biết thì thôi, biết rồi, mẹ Nghé hạ quyết tâm nhất định phải thực hiện cho được. May nhờ có bà Thanh và bà ngoại, những vị thiện tri thức đã tu Phật “có thâm niên” và hiểu biết giáo lý cặn kẽ luôn kè kè bên cạnh khuyên nhủ, hỗ trợ và giác ngộ nên cái quyết tâm, ý chí của mẹ Nghé không thể nào bị lung lay, lui sụt, dù rằng nghịch cảnh rất nhiều… Đến đây, nghĩ lại 12 năm về trước, mẹ nghé lại thấy thật tiếc cho cu Tý. Giá mà mình sớm biết được điều này, có phải mình đã làm lợi được cho Tý Bảo rất nhiều? Nhưng mà nghĩ lại. Cũng chưa hẳn. Bởi làm lợi được trọn vẹn cho Tý Bảo thì chắc gì đã có sự ra đời của Nghé ngày nay!
Những bà mẹ đang mang thai cùng những bà mẹ đang nuôi con nhỏ thân mến! Với mong muốn chia sẻ những lợi lạc từ việc nuôi dưỡng trẻ bằng thực phẩm thuần chay như thế, Bảo An Bình xin đem toàn bộ tâm huyết mà chia sẻ cùng các mẹ bài viết này.
———–
Tính nằm cùng cho Nghé ngủ một lát rồi dậy, nhưng vì cả ngày quần nhau với nó đã thấm mệt, mẹ Nghé ngủ hẳn lúc nào không hay. Bỗng nghe tiếng cựa quậy bên cạnh, giật mình tỉnh dậy, thôi chết đã 9h tối. Vẫn còn nồi cháo của Nghé ngày mai chưa nấu! Kiểm tra người thằng nhỏ đôi chút. Chắc là nó đắp chăn hơi nóng. Nghĩ thế, mẹ Nghé bèn điều chỉnh lại đôi chút cái chăn đang đắp trên người nó. Một lát sau, chờ cho Nghé ngủ say trở lại, mẹ Nghé lồm cồm bò dậy.
Đã 9h tối. Cần phải nấu nồi cháo cho kịp để mai đem Nghé đi gửi, nó còn có cháo mà ăn. Mò ngăn đá tủ lạnh, mẹ Nghé lấy ra một gói rau củ đã được sơ chế sạch sẽ. Biết thân biết phận rằng hai ngày nghỉ cuối tuần, phải ôm Nghé trọn thời gian, chẳng thể đi chợ hay làm gì nổi, mẹ Nghé đã chuẩn bị đồ ăn cho nó rất chu đáo. Trong tuần, mẹ Nghé thường liệt kê, mua và chuẩn bị sẵn những thứ rau củ cần thiết để có thể nấu ăn cho Nghé cả tuần. Mẹ Nghé mua một loạt rau củ theo danh sách đã ghi ra trước đó và làm sạch: gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng, rồi chia thành các gói nhỏ đem bảo quản trong tủ lạnh. Cứ mỗi ngày, mẹ Nghé lại lấy ra một gói đem thay đổi cho đa dạng để nấu ăn cho Nghé.
Hôm qua Nghé ta đã ăn mướp Nhật. Vậy thì hôm nay sẽ nấu cháo củ dền. Lấy phần củ dền đã được thái lát mỏng ra khỏi túi ni-lông, cho nó vào nồi, đổ thêm nước, mẹ Nghé đem nấu cho thật chín.
Sau khi củ dền sôi, mẹ Nghé để nồi củ dền nhỏ lửa thêm vài phút. Chờ cho củ dền mềm hẳn, mẹ Nghé nhắc nồi ra khỏi bếp. Củ dền cho vào nước tạo ra một thứ màu đỏ tím thật đẹp mắt. Tiếp theo là công đoạn xay nhuyễn củ dền. Đây là công đoạn khó nhất mà phải mất đến năm, sáu lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mẹ Nghé mới thành công để mà xay không bị bắn nước tung tóe ra bên ngoài và không bị mệt mỏi, ức chế vì phải dọn dẹp như hồi đầu…
Những lần đầu, khi làm chưa quen, mẹ Nghé đến là khổ. Cứ đến công đoạn xay nguyên liệu làm cháo, y như rằng, toàn bộ quần áo mẹ Nghé lại lem luốc đủ thứ màu xanh, đỏ, tím vàng…
Sở dĩ bị như vậy là vì trước đây, mẹ Nghé dùng bột gạo lứt xay chín để mà nấu cháo. Vì bột đã nhuyễn, nên mẹ Nghé không trộn chung để xay cùng rau củ. Thêm vào đó, mẹ Nghé lại không xay ngay khi nguyên liệu còn đang nóng mà lại chờ cho nó nguội hẳn mới xay. Thứ duy nhất được đem xay trước đó là rau củ. Không có quá nhiều vật cản, nên thành phẩm xay được cũng khó nhuyễn (nếu không muốn nói là “lổn nhổn”), còn nước thì bắn tứ tung. Năm sáu lần xay là năm sáu lần thất bại, mẹ Nghé thật là ức chế.
Sau những lần như thế, mẹ Nghé bèn thay đổi hẳn cách làm. Thế là, cứ mỗi ngày khi nấu cơm, mẹ Nghé lại lấy thêm một phần gạo đủ để nấu cháo cho Nghé.
Khi xay cháo, mẹ Nghé lấy ra chừng 3 đến 4 muôi cơm cho vào nồi rau củ đương còn nóng. Mẹ Nghé cho thêm một thìa canh Tekka khô của Thầy Tuệ Hải vào rồi đem xay nhuyễn toàn bộ hỗn hợp.
Để biết thêm công dụng của Tekka khô, mời bạn đọc xem chi tiết bài viết sau.
Những kinh nghiệm mà mẹ Nghé đã đúc rút được từ quá trình xay đều hết sức chính xác. Quả thật, thực phẩm đem xay phải đủ nóng, đủ độ đặc thì thành phẩm xay được mới nhuyễn. Bởi, khi còn nóng, rau củ đều sẽ mềm hơn và do đó việc xay được dễ dàng hơn. Rồi vị trí đặt của phần trụ gắn dao xay cũng hết sức quan trọng. Phải đặt ống trụ nhúng trong hỗn hợp nguyên liệu đến một mức độ phù hợp để trong suốt quá trình xay, nguyên liệu không bị bắn tung tóe ra bên ngoài. Cái này thì chẳng hướng dẫn sử dụng sản phẩm nào làm được tường tận như vậy cả. Phải tự mà mày mò mà đúc rút kinh nghiệm lấy thôi!
Sau khi đã xay được hỗn hợp khá nhuyễn và đẹp mắt, mẹ Nghé cho thêm vào nồi cháo một lát bơ dày chừng 3cm. Cho nồi cháo trở lại trên bếp, nêm thêm nước magi vào, mẹ Nghé đun sôi nồi cháo trở lại. Mẹ dùng đũa khuấy đều, khuấy đều. Sau khi nồi cháo sôi, mẹ để nhỏ lửa chừng mười phút cho cháo chín hẳn.
Lấy thìa cháo nhỏ đưa lên miệng nếm: Thơm-Bùi-Ngậy, đủ cả. Mẹ Nghé tự mình tán thưởng: “Tuyệt vời! Ăn chay mà ăn ngon như thế, mình cũng ăn được cả đời!”
Nấu cháo chay cho bé cần có những nguyên liệu gì?
Hẳn là, các mẹ đều biết, để nấu được món cháo chay cho bé, cần phải có các nguyên liệu cơ bản là rau củ, gạo. Chắc chắn những nguyên liệu không thể thiếu như thế, bà mẹ nào cũng đều đoán được. Bên cạnh các nguyên liệu như vậy, mẹ Nghé còn sử dụng thêm Tekka, bơ lạt, ma-gi, dầu mè như là những thứ gia vị hấp dẫn bổ sung cho món cháo chay thơm ngậy, đầy dinh dưỡng này.
Cách nấu cháo chay cho bé nhanh nhất
Đã thử qua rất nhiều cách nấu cháo: nấu bằng nồi nấu chậm có, nấu bằng nồi áp suất có, nhưng mẹ Nghé hoàn toàn không cảm thấy hài lòng. Nấu cháo bằng nồi nấu chậm có ưu điểm là không phải trông nồi trong suốt quá trình nấu. Nhưng mà, thành phẩm tạo ra vẫn cứ là nguyên hình, nguyên dạng, chỉ có điều khác ở chỗ là nó đã nhừ đi mà thôi. Điều đó có nghĩa là để có được món cháo nhuyễn cho con, mẹ Nghé cũng sẽ lại phải đem cháo đi xay lần nữa…
Nấu bằng nồi áp suất thì thời gian nấu nhanh hơn rất nhiều, nhưng đổi lại, món cháo thành phẩm không đảm bảo được yêu cầu cảm quan về màu sắc cho lắm. Màu sắc của món cháo như thế thường khó tạo ra cảm giác thèm ăn ở trẻ. Thế nên, bây giờ, mẹ Nghé lựa chọn ra cách nấu nhanh-gọn-nhẹ này để nấu cháo cho Nghé.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Bảo An Bình về cách nấu cháo chay cho bé thật ngon và hấp dẫn. Mong rằng bài viết sớm trở thành giải pháp hữu ích với các mẹ đang trên đường tìm kiếm thông tin để sẵn sàng nuôi nấng con yêu bằng thực phẩm thuần chay.